Chào các bạn!



Hẳn là các bạn cũng không còn xa lạ gì với mình nữa qua một loạt các bài viết hướng dẫn nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ cộng đồng. Và hôm nay tiếp tục với tiêu chí tận tình giúp đỡ người mới chơi LMHT, mình xin được gửi tặng các bạn thêm một bài viết nữa. Lần này với chủ đề: Đi rừng và Tướng đi rừng.



Ta hãy cùng bắt đầu nhé!



I. Khái niệm, những thông tin cơ bản về Đi rừng (Jungling)



1. Đi rừng là gì? Trong rừng có cái gì thế?



Nói một cách khái quát, đi rừng là việc bạn tiêu diệt các quái vật trong rừng để lấy tiền và kinh nghiệm thay vì đứng ở một trong ba đường đi.



Các loại Mỏ quái vật trong rừng cần lưu ý:



Bùa xanh (Blue buff): Một con người đá khổng lồ và hai con thằn lằn nhỏ.



  • Sau khi giết được con người đá khổng lồ, bạn sẽ nhận được một hiệu ứng tăng tốc độ hồi năng lượng và giảm thời gian hồi chiêu.
  • Tăng 5 điểm năng lượng hồi mỗi giây
  • Tăng hồi năng lượng bằng 0.5% số năng lượng tối đa mỗi giây
  • Giảm thời gian hồi chiêu đi 20%
  • Bùa xanh kéo dài trong 2 phút 30 giây.
  • Nếu đang giữ bùa xanh mà bạn chết, nó sẽ bị chuyển sang kẻ giết bạn. Thời gian hiệu lực được hồi lại về 2 phút 30 giây.
  • Bùa xanh xuất hiện lần đầu vào 1:55
  • Bùa xanh xuất hiện lại sau 5 phút tính từ sau thời điểm trại này được dọn sạch sẽ.
Bùa đỏ (Red buff): Một con thằn lằn khổng lồ và hai con thằn lằn nhỏ.



  • Sau khi giết được con thằn lằn khổng lồ, đòn tấn công của bạn sẽ làm chậm đối thủ và gây sát thương chuẩn mỗi giây lên chúng.
  • Làm chậm 8/16/24% với tướng đánh gần và 5/10/15% với tướng đánh xa trong 3 giây.
  • Gây 10-44 sát thương chuẩn mỗi giây trong vòng 2 giây. 10 là ở cấp độ 1 và tăng thêm 2 điểm sát thương mỗi cấp độ tiếp theo.
  • Bùa đỏ kéo dài trong 2 phút 30 giây.
  • Nếu đang giữ bùa đỏ mà bạn chết, nó sẽ bị chuyển sang kẻ giết bạn. Thời gian hiệu lực được hồi lại về 2 phút 30 giây.
  • Bùa đỏ xuất hiện lần đầu vào 1:55
  • Bùa đỏ xuất hiện lại sau 5 phút tính từ sau thời điểm trại này được dọn sạch sẽ.
Bãi ma (Wraiths): Một con ma to và ba con ma nhỏ.



  • Con ma to đánh xa
  • Sau khi giết được con ma to, bạn được hồi lại một chút máu và năng lượng.
  • Bãi ma xuất hiện lần đầu vào 1:40
  • Bãi ma xuất hiện lại sau 50 giây tính từ sau thời điểm trại này được dọn sạch sẽ.
Bãi sói (Wolves): Một con sói to và hai con sói nhỏ.



  • Cả ba con sói đều có 25% tỉ lệ đánh chỉ mạng.
  • Sau khi giết được con sói to, bạn được hồi lại một chút máu và năng lượng.
  • Bãi sói xuất hiện lần đầu vào 1:40
  • Bãi sói xuất hiện lại sau 1 phút tính từ sau thời điểm trại này được dọn sạch sẽ.
Bãi người đá (Golems): Một con người đá to và một con người đá nhỏ.



  • Dù máu trâu và sát thương lớn nhưng hiếm ai biết rằng hai con người đá này có chỉ số kháng phép âm. Do vậy việc dùng phép thuật để tiêu diệt chúng tỏ ra cực kì hiệu quả trong giai đoạn đầu.
  • Sau khi giết được con người đá to, bạn được hồi lại một chút máu và năng lượng.
  • Bãi người đá xuất hiện lần đầu vào 1:40
  • Bãi người đá xuất hiện lại sau 1 phút tính từ sau thời điểm trại này được dọn sạch sẽ.
Ngoài ra ở bìa rừng gần sông còn có hai con siêu quái vật là Rồng và Baron.

Rồng (Dragon)





  • Rồng đánh xa.
  • Rồng sẽ ưu tiên đánh tướng nào gần nó nhất.
  • Đòn tấn công của rồng gây 15 sát thương chuẩn mỗi giây trong 4 giây và làm chậm tốc độ đánh của bạn đi 20%.
  • Rồng kháng hầu hết các trạng thái vô hiệu hóa.
  • Đòn tấn công vật lý lên rồng sẽ có hiệu lực cao hơn là phép thuât.
  • Giết rồng cho cả đội bạn 190 vàng. Các thành viên ở gần đó được nhận thêm cả kinh nghiệm (không nhiều)
  • Rồng xuất hiện lần đầu vào 2:30
  • Rồng xuất hiện lại sau 6 phút tính từ sau thời điểm nó bị giết.
Baron (Baron Nashor)



  • Baron đánh xa.
  • Baron sẽ ưu tiên đánh tướng nào gần nó nhất.
  • Baron kháng tất cả các trạng thái vô hiệu hóa.
  • Baron có 4 kĩ năng. Các bạn có thể tìm hiểu chi tiết hơn tại đây.
  • Baron chủ yếu gây sát thương phép, điều này khiến các tướng máu nhiều hoặc kháng phép cao có thể chống chịu tốt hơn trước các đòn tấn công Baron.
  • Trái ngược với rồng, sát thương phép thuật sẽ cực kì hiệu quả lên Baron. Trong khi đó sát thương vật lý bị giảm đáng kể.
  • Tiêu diệt được Baron cho cả đội bạn 300 vàng. Các thành viên ở gần đó được nhận thêm cả kinh nghiệm (khá nhiều)
  • Tiêu diệt được Baron cho các thành viên còn sống một bùa lợi tăng hồi phục, sát thương và sức mạnh phép thuật.
  • Baron xuất hiện lần đầu vào 15:00
  • Baron xuất hiện lại sau 7 phút tính từ sau thời điểm nó bị giết.
2. Lợi và hại của việc đi rừng



Mặt lợi:

  • Cho thêm một người nữa trong đội bạn được đi một mình, gia tăng lượng kinh nghiệm và tiền thu được.
  • Bạn có thể thâm nhập vào rừng đối phương để cướp bùa, đi gank, đi làm bất cứ điều gì bạn thích.
Mặt hại:

  • Người đi một mình kia phải đánh cực kì chắc tay.
Thông tin thêm:

  • Người đi rừng có thể lên đến cấp độ 4 nhanh nhất, trong khi ở các lane khác mới chỉ cấp độ 2 đến 3.
  • Một lần bạn đi gank dù thành công hay thất bại thì cũng đều ít nhiều đánh vào tâm lí của kẻ địch, có thể còn lấy đi phép bổ trợ của chúng. Điều này tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng thực tế giúp ích vô cùng nhiều cho đồng đội đi cùng lane.
  • Người đi rừng có thể dễ dàng ăn cắp bùa lợi của kẻ địch, cướp rồng hoặc Baron sử dụng phép Trừng phạt.
3. Tiêu chí để một tướng có thể đi rừng



  • Có kĩ năng dọn quái nhanh, hoặc chí ít thì giúp cho họ ăn các bùa lợi dễ dàng.
  • Có khả năng hồi phục tốt để không bị quái rừng đánh mất quá nhiều máu.
  • Cơ động, linh hoạt.
  • Nên có ít nhất một kĩ năng khống chế (CC) để có thể đi gank.
4. Các kĩ năng bạn cần có để đi rừng

  • Quan sát bản đồ.
  • Xử lý tình huống.
  • Đoán được vị trí địch cắm mắt, đoán được hướng di chuyển của người đi rừng bên kia.
  • Ghi nhớ các mốc thời gian xuất hiện bùa lợi.
5. Đi rừng và mùa giải thứ 3





Như chúng ta đều đã biết, mùa giải 3 của LMHT đem đến hàng loạt thay đổi về rừng. Quái vật trở nên trâu hơn rất nhiều, nhưng chúng được tăng thêm kinh nghiệm. Ngoài ra bạn cũng sở hữu các trang bị tăng tốc độ dọn quái lên đáng kể.



Một thay đổi cực kì quan trọng nữa là Tốc độ di chuyển. Việc người đi rừng không còn có thể khởi đầu với giày và 3 bình máu, kèm theo đó là Tốc độ của các tướng được tăng thêm 25 điểm khiến cho nhiều tướng đi rừng chủ yếu dựa vào tốc độ để áp sát địch như Udyr, Shyvana, Warwick, hay Trundle bị bất lợi đi vô cùng nhiều.



Tuy nhiên mùa giải cũng mới chỉ bắt đầu. Chúng ta hãy cùng chờ vào sự sáng tạo của cộng đồng và những quyết định thay đổi của Riotgames nhé.



II. Khởi đầu của một người đi rừng



1. Trang bị





Rựa thợ săn


Đây là món đồ cần mua đầu tiên với 5 bình máu. Tất cả những tướng đi rừng bất kể sát thương phép hay vật lý thì cũng đều được hưởng lợi từ trang bị này. Bạn không mua nó thì cũng chẳng sao nhưng tốc độ dọn quái rừng của bạn sẽ chậm đi đáng kể đó.





Đá linh hồn


Nâng cấp từ Rựa thợ săn. Món đồ này thích hợp với các tướng đánh chậm và phần nhiều dựa vào chiêu thức để dọn quái. Các tướng tốn nhiều năng lượng như Amumu, Udyr hoặc Skarner nên mua món này.





Móng vuốt Madred


Nâng cấp từ Rựa thợ săn. Nó thích hợp cho các tướng đánh nhanh hoặc chủ yếu sử dụng đòn đánh thông thường khi dọn quái.





Linh hồn người đá


Nâng cấp từ Đá linh hồn. Quả đấm này giúp gia tăng sức đề kháng lên vô cùng nhiều. Các tướng đi rừng thiên về Đỡ đòn (tank) có thể mua.





Linh hồn ma


Nâng cấp từ Đá linh hồn. Đồ chuyên dụng cho các tướng phép thuật đi rừng.





Linh hồn khủng long


Nâng cấp từ Đá linh hồn. Nó cho bạn một tốc độ dọn quái nhanh khủng khiếp, nhanh hơn hẳn hai món linh hồn ở bên trên. Tuy nhiên, đáng tiếc là Linh hồn khủng long không cho bất kì khả năng sống sót nào.





Lồng đèn


Nâng cấp từ Móng vuốt Madred. Nó giúp bạn ăn bùa lợi, các con quái vật to hay rồng hoặc baron cực kì nhanh chóng. Thích hợp cho các tướng đi rừng chủ động như Lee Sin.



2. Đường đi rừng (Jungle Route)



Đường đi rừng sẽ quyết định việc lúc nào bạn đạt cấp độ 4, lúc nào bạn có thể gank, lúc nào bạn có thể xâm lược rừng đối phương, ...



Dưới đây là các Đường đi rừng cơ bản và một tấm bản đồ nho nhỏ để các bạn dễ hình dung hơn:





a. Đường 1: Sói -> Bùa xanh -> Ma -> Bùa đỏ -> Gank (nếu cảm thấy có thể), không thì tiếp tục giải quyết nốt bãi Người đá rồi quay về Ma để đạt được cấp độ 4.

Biến thể khác: Sói -> Bùa xanh -> Ma -> Người đá -> Bùa đỏ -> Gank



Ưu điểm:



  • Có bùa xanh sớm sẽ giúp bạn farm dễ dàng hơn rất nhiều.
  • Đạt được cấp độ 4 cũng kha khá sớm.
  • Thông dụng và dễ dàng thực hiện nhất.
Nhược điểm:



  • Rất tốn máu khi ăn bùa đỏ.
  • Cực kì dễ bị khắc chế.
  • Nhỡ may bị địch vào rừng xâm lược thì sẽ là thảm họa.
b. Đường 2: Sói -> Bùa xanh -> Bùa đỏ (đối phương) -> Gank (nếu cảm thấy có thể), không thì về bãi ma và bùa đỏ nhà mình ăn nốt.



Ưu điểm



  • Có thể cướp bùa đỏ của kẻ địch
  • Gây ra đòn tâm lý vô cùng lớn tên người đi rừng đội kia vì không có bùa đỏ, họ khó có thể gank hiệu quả.
  • Lên cấp 4 siêu siêu nhanh.
Nhược điểm



  • Phải chắc chắn rằng tướng đi rừng bên kia ăn bùa xanh trước.
  • Yêu cầu tướng bạn cầm phải là tướng ăn bùa cực cực kì nhanh và cơ động (Mundo, Udyr, Shyvana)
  • Phải giữ Trừng phạt, không nên dùng trừng phạt lên con bùa xanh -> Thôi lại tốn cả lít máu rồi.
  • Chạy không khéo là bị phát hiện.
  • Được thì được cả, thua thì mất tất.
c. Đường 3: Sói -> Bùa xanh -> Ma -> Sói -> Bùa đỏ -> Ma -> Gank



Ưu điểm



  • An toàn và dễ dàng đạt cấp độ 4.
  • Tốn cực cực kì ít máu.
Nhược điểm



  • Gank hơi muộn tí.
  • Không cẩn thận lúc ra tới nơi thì bùa đỏ của bạn đã không cánh mà bay.
d. Đường 4: Ma -> Bùa xanh -> Sói -> Ma -> Bùa đỏ -> Gank (nếu cảm thấy có thể), không thì về ăn nốt 2 con người đá.



Ưu điểm



  • Gank được sớm hơn đường c vì đỡ tốn thời gian đi lại.
  • Khá an toàn và dễ đạt cấp 4.
  • Tốn ít máu.
Nhược điểm



  • Chạy không nhanh là lỡ giờ Bùa xanh xuất hiện.
e. Đường 5: Ma -> Bùa đỏ -> Sói -> Bùa xanh -> Gank (nếu cảm thấy có thể), không thì lại quay về Ma rồi người đá.



Ưu điểm



  • Đường thông dụng của các tướng không cần năng lượng.
Nhược điểm



  • Do ăn bùa đỏ trước nên đến lúc bạn ra gank thì cái bùa đỏ nó cũng đã gần hết.
  • Sau khi ăn xong bùa xanh thì bạn vẫn chưa thể lên cấp độ 4.
f. Đường 6: Ma -> Bùa đỏ -> Gank -> Bùa xanh



Ưu điểm



  • Gank ở cấp độ 2 bạn cực kì có lợi do cùng lúc đó địch chỉ ở cấp 1.
  • Đầy bất ngờ và tỉ lệ thành công tương đối cao.
Nhược điểm



  • Không phải tướng nào cũng có thể gank ngay từ cấp 2 (có lẽ ngoài Lee Sin và Riven ra).
  • Nhiều khả năng sau khi gank xong, quay về thì thấy rừng mình đã tả tơi vì thằng đi rừng bên kia.
g. Đường 7: Ma -> Bùa đỏ -> Bùa đỏ (đối phương) -> Về ăn nốt sói với bùa xanh rồi gank.



Ưu điểm



  • Cầm trong tay bùa đỏ, bạn gần như chắc chắn sẽ solo ăn đứt người đi rừng bên kia (lúc này chỉ có mỗi bùa xanh).
  • Nếu thành công, khả năng cao là sẽ giết được đối phương hoặc chí ít cũng bắt họ phải sử dụng Tốc biến.
Nhược điểm



  • Phải chắc rằng người đi rừng bên kia họ ăn bùa xanh trước.
  • Bạn phải có quan hệ cực tốt với người đi đường giữa để lúc bạn và người đi rừng bên kia solo nhau, hắn ta sẽ có thể chạy ra giúp.
  • Phải đi nửa vòng trái đất từ bùa đỏ bên mình sang bùa đỏ bên kia. Nhiều lúc ra đến nơi thì nó đã ăn xong bùa đỏ rồi.
Trên đây chỉ là một số đường đi rừng thông dụng, còn có vô sô con đường khác mà bạn có thể tự sáng tạo ra hoặc tham khảo hướng dẫn của các cao thủ trong nước cũng như quốc tế.



Và tác giả cũng xin được nhấn mạnh rằng: Tùy theo sự lựa chọn tướng của bạn mà con đường cũng khác nhau rất nhiều.



3. Ngọc bổ trợ dành cho người đi rừng



Câu trả lời duy nhất của tôi là: Rất đa dạng.

  • Ngọc đỏ: Tốc độ tấn công, sát thương, đôi khi cả xuyên giáp, xuyên kháng phép.
  • Ngọc vàng 99.99% là: Tăng giáp, trừ khi bạn có ý định phá game.
  • Ngọc xanh: Kháng phép, tốc độ tấn công, giảm thời gian hồi chiêu.
  • Ngọc tím: Tốc độ di chuyển, vàng mỗi 10 giây, giáp, sát thương, tốc độ tấn công, sức mạnh phép thuật … riêng về ngọc tím thì có rất nhiều sự lựa chọn.
Trong bài viết tiếp theo chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về các loại ngọc riêng cho từng tướng đi rừng. Bảng bổ trợ thì các bạn có thể tham khảo chi tiết tại các bài hướng dẫn tướng đi rừng.



III. Đi rừng thì phải làm những gì bên cạnh farm?



1. Gank



- Gank là hành động đi hỗ trợ một lane nhằm tìm cách tiêu diệt một tướng địch. Nhiều người cho rằng việc gank không nhất thiết phải tiêu diệt địch mới gọi là thành công mà chỉ cần làm chúng hoảng sợ, dẫn đến dùng mất các phép bổ trợ là được rồi.



- Gank là kĩ năng tối cơ bản mà một người đi rừng cần biết và làm được.



Sơ đồ con đường đi gank:



  • Các mũi tên màu đỏ là các đường gank thông dụng
  • Các vòng tròn màu vàng là các vị trí có thể đã bị địch cắm mắt.




Đây là sơ đồ đối với đội Xanh, còn với đội Tím thì hoàn toàn lật ngược lại do tính đối xứng của bản đồ Summoner's Rift.



Lane nào cần gank?

- Lane có quái vật bên địch đang đẩy cao và bạn có thể đi vòng ra sau lưng chúng.

- Lane mà tướng địch đã không còn phép bổ trợ như Tốc biến.

- Lane mà tướng địch chỉ còn không quá 60% máu.

- Lane mà bạn đoán rằng sắp có giao tranh.

- Lane mà đồng đội bạn đã đạt đến cấp đô 6 và đã sẵn sàng giao chiến.



Căn giờ hết mắt cũng là một điều quan trọng mà người đi rừng cần lưu ý. Ví dụ như tầm khoảng giữa phút thứ 5 là mắt ở đường dưới sẽ hết. Hoặc để chắc ăn nhất thì bạn nên hỏi đồng đội mình xem địch cắm mắt ở đâu để biết mà tránh.



2. Mua và cắm mắt thường xuyên



- Có được tầm nhìn trong rừng địch cho phép bạn và đồng đội đoán được hướng di chuyển của chúng, đoán được lúc nào chúng ăn bùa lợi nào, và thời gian xuất hiện của các bùa lợi đó để sau này đi xâm lược.







- Tầm nhìn còn giúp phòng ngừa khi đối phương gank hoặc xâm lược rừng bạn.

- Có tầm nhìn là có tất cả.



Hai vị trí cắm mắt tối quan trọng: gần bãi ma và bùa xanh. Tùy theo từng người đi rừng và chiến thuật chơi mà bạn sẽ quyết định nên cắm ở rừng mình hay rừng địch.



3. Xâm lược (Invasion, Counter-jungle)



- Xâm lược là hành động bạn tiến sâu vào rừng địch, ăn trộm của họ vài ba con ba hoặc sói, đôi khi cả bùa lợi rồi mau chóng chạy về.



- Trong vòng 5 phút đầu tiên của trận đấu, xâm lược có một mục đích cao cả hơn là giết được người đi rừng bên kia. Tuy nhiên để làm được điều này cần có các tướng 1vs1 tốt như Lee Sin, Udyr. Và hãy chắc chắn rằng nếu phải đấu tay đôi, bạn có thể thắng được kẻ địch.



- Từ sau phút 5 trở đi, xâm lược tốt nhất chỉ nên thực hiện khi bạn đã có tầm nhìn tại khu vực đó, hoặc phát hiện ra người đi rừng bên kia đang ở khá xa mình, đang gank một lane mà bạn tin rằng mình sẽ không ra bảo vệ kịp.



- Hành động xâm lược và cướp thành công bùa lợi của kẻ địch sẽ khiến cho họ bị thụt lùi đi rất nhiều về cả kinh nghiệm lẫn tiền. Đây còn là một đòn đánh mạnh vào tâm lý những người đi rừng nghiệp dư.



- Xâm lược có nhiều cấp bậc, từ dễ đến khó. Đơn giản nhất là chạy thẳng vào rừng địch, đánh ba phát rồi Trừng phạt con quái to nhất sau đó chạy thẳng về. Phức tạp hơn thì xâm lược một lúc hai đến ba mỏ quái. Tuy nhiên khó thực hiện nhất vẫn là việc rình cho đối phương ăn bùa lợi, sau đó lao ra và xử đẹp một lúc cả tướng lẫn quái.



- Có một cuộc tranh luận rằng: Khi đi xâm lược có nên để sót lại hai ba con quái nhỏ không?

Thực ra cũng còn tùy ở bạn. Chỉ cần nhớ rằng: Nếu lúc ăn bùa lợi mà để sót lại hai con thằn lằn nhỏ thì bạn sẽ KHÔNG có thời gian để căn giờ nó xuất hiện trở lại, còn đối phương thì có. Ngược lại, nếu ăn hết cả ba thì bạn lại có thời gian căn giờ còn đối phương thì không.



- Để tránh bị xâm lược, giải pháp tốt nhất là mua mắt và cắm hai ba cái tại rừng mình. Biết đâu đấy tên địch tham lam lại mò vào và trở thành miếng mồi ngon cho bạn và đồng đội.



4. Phản Gank (Counter-Gank)



- Phản Gank là hành động bạn đoán được hoặc phát hiện ra rằng người đi rừng bên kia sắp sửa gank một lane. Nhiệm vụ của bạn lúc này là núp sẵn ở gần đó và chờ đến khi có đánh nhau thì lao vào hỗ trợ rồi gank ngược kẻ địch.





Ví dụ về một tình huống phản Gank của Lee Sin trong trận đấu giữa LGD và PE, tất nhiên Jarvan do không còn chiêu thức chạy trốn nên đành chết thôi


- Nếu bạn đang farm và phát hiện ra rằng đồng đội mình ở gần đó đang bị gank, hãy bỏ farm và ra giúp đỡ họ. Đây là kiểu Phản gank đơn giản và cơ bản nhất. Đáng tiếc là lúc thực hiện, chúng ta dễ mắc phải cám dỗ tâm lí: "Chỉ một giây nữa thôi. Ăn nốt con quái rồi ra cũng được." Dĩ nhiên lúc ra đến nơi thì đồng đội đã chết mất rồi.



- Người phản Gank có được lợi thế bất ngờ, và phản gank bao giờ cũng dễ thành công hơn gank do lúc này đối phương chỉ chăm chăm để ý tới nạn nhân mà quên mất rằng đằng sau mình còn có một kẻ nguy hiểm không kém.



Phản Gank là kĩ năng nâng cao nhất. Nó đòi hỏi rất nhiều kinh nghiệm đi rừng, lòng kiên nhẫn, và khả năng quan sát bản đồ thật tốt.



Trên đây là bốn kĩ năng thiết yếu mà mỗi người đi rừng đều phải nắm vững. Chúng đã được xếp theo thứ tự từ dễ đến khó để bạn dần luyện tập. Chúc các bạn thành công!



IV. Trách nhiệm của những thành viên khác đối với người đi rừng



- Đầu trận, người đi đường giữa và một đường gần nhất (trên hoặc dưới) phải có trách nhiệm vào giúp người đi rừng ăn bãi ma hoặc sói. KHÔNG được "ăn hộ" họ.



- Các thành viên khác trong đội nên giúp đỡ người đi rừng tấn công bùa lợi để giúp anh ta tiết kiệm được càng nhiều máu càng tốt.



- Các thành viên khác cần mạnh dạn lao lên đánh lạc hướng đối thủ khi người đi rừng bên mình tiến đến hoặc ra hiệu sẽ gank lane đó. (tất nhiên là vẫn phải đảm bảo còn đủ máu).



- Các thành viên khác (đặc biệt là người hỗ trợ) phải thông báo cho người đi rừng biết vị trí và thời gian kẻ địch đi cùng đường cắm mắt để họ có thể gank hiệu quả.



- Các thành viên khác nếu muốn được gank thì không được đẩy lính lên cao quá. Tốt nhất nên giữ lính ở mốc cân bằng nhằm tạo điều kiện tối đa cho việc gank.



- Cặp đôi đường dưới (đặc biệt là người hỗ trợ) phải có trách nhiệm thông báo khi kẻ địch hết máu về nhà, chết hoặc không còn đủ máu để ở lại chiến đấu. Như vậy sau khi phá mắt xong, bốn thành viên của đội có thể tổ chức ăn rồng được rồi.



- Cặp đôi đường dưới (đặc biệt là người hỗ trợ) phải có trách nhiệm cắm mắt ở rồng và kêu gọi sự giúp đỡ (nếu cần) để cả ba có thể nhanh chóng phá trụ.



- Tất cả các thành viên đều phải có trách nhiệm cắm mắt ở khu vực bìa rừng của đội và thông báo cho người đi rừng biết ngay khi có kẻ định xâm nhập.



Tham khảo thêm:



- Tìm hiểu chi tiết về Baron Nashor



- Hướng dẫn sử dụng phép Smite - Trừng phạt hiệu quả



__________________________________



Bài viết đến đây là kết thúc. Mong rằng nó sẽ giúp ích cho những người đi rừng nghiệp dư hoặc mới tập tành đi rừng bởi lẽ đây là vị trí khó khăn nhất, nhưng lại thú vị nhất trong LMHT.

Nếu cảm thấy bài viết này bổ ích đối với các bạn, hãy bấm Thank để ủng hộ mình có thêm nhiều bài viết giúp đỡ người mới chơi hơn nữa nhé!



Cảm ơn tất cả các bạn!